Uncategorized
Giải mã cơn sốt Labubu
TPO – Búp bê đồ chơi Labubu khiến giới trẻ mê mệt, có người “cắm trại” xếp hàng xuyên đêm tìm mua bằng được, sao Việt cũng tích cực lăng xê trào lưu này. “Cơn sốt” Labubu để lại nhiều tranh luận rằng nên tôn trọng sở thích cá nhân hay đây chỉ là trào lưu phí phạm, vô bổ.
Tìm kiếm từ khóa “Labubu” trên TikTok, hàng trăm clip “đập hộp”, sưu tập bộ đồ về búp bê tai dài, răng nhọn hút triệu lượt xem. Trong các phiên livestream bán hàng, không ít TikToker lựa chọn món đồ chơi này để làm phần quà tặng, thu hút khán giả tham gia mua sắm. Có nơi còn tổ chức chơi raffle qua livestream, yêu cầu khán giả đặt cược tiền và shop tiến hành quay số trúng thưởng. Trên Facebook thành lập nhiều hội nhóm hàng trăm nghìn thành viên, là nơi trao đổi, mua bán búp bê Labubu.
Labubu tạo cơn sốt với giới trẻ châu Á.
Cơn sốt Labubu được giới trẻ tích cực sắn đón, hiệu ứng càng đẩy mạnh khi người nổi tiếng, KOL, KOC không nằm ngoài việc “đu trend”, phối thành phụ kiện thời trang. Hôm 15/8, hàng trăm người xếp hàng xuyên đêm trước cổng trung tâm thương mại ở quận 7 TPHCM để “săn” bằng được Labubu.
Tại Việt Nam, cửa hàng bán lẻ Labubu là Pop Mart mới mở chi nhánh ở Đà Nẵng và TPHCM, nhưng người dùng không dễ sở hữu vì sản phẩm nhanh chóng “cháy hàng” sau ít phút mở bán.
Labubu có gì khiến giới trẻ phát cuồng?
Labubu là món đồ chơi nghệ thuật, dưới dạng sinh vật lông xù có tai dài, răng sắc nhọn, nụ cười rộng nham hiểm, được nghệ sĩ Hong Kong (Trung Quốc) Kasing Lung lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu, tạo ra vào năm 2015 cho công ty Pop Mart của Trung Quốc.
Cho đến nay, đã có hơn 10 bộ sưu tập búp bê Labubu, phổ biến nhất là “Labubu – Quái vật Macarons thú vị”, có bảy màu phổ biến như Lychee Berry, Green Grape, Soymilk, Sea Salt Coconut, Sesame Bean, Toffee và Chestnut Cocoa.
Bộ sưu tập này được nhiều người biết đến hơn sau khi Lisa (BlackPink) “lăng xê” lên Instagram. Một con búp bê Labubu trong bộ sưu tập này dao động từ 200.000 đồng – 22,3 triệu đồng.
Labubu nổi tiếng hơn được Lisa (BlackPink) lăng xê.
Những món đồ này nhanh chóng “bốc hơi”, buộc người mua phải “săn lùng” từ các seller, khiến giá trị được nâng lên gấp nhiều lần so với giá gốc. Labubu còn được bán bằng hình thức “blind box”, được hiểu là hộp bí mật, người mua sẽ không biết bên trong là búp bê màu gì. Nếu may mắn, họ có thể bốc trúng Labubu phiên bản giới hạn, có giá cao gấp 4-5 lần bản thường.
Borwang (Thái Lan, 32 tuổi) chia sẻ với tờ Global Times: “Người Thái chúng tôi đều thích những thứ mềm mại”. Cô và các đồng nghiệp thậm chí còn mang đồ chơi Labubu đến nơi làm việc. “Khi uể oải vì công việc, chúng tôi trò chuyện với Labubu và cho nó biết chúng tôi mệt mỏi và chăm chỉ thế nào. Nhìn Labubu, chúng tôi nhanh chóng lấy lại năng lượng. Labubu đáng yêu này chính là chỗ dựa tinh thần cho nhiều nhân viên văn phòng như tôi”.
Trên đường phố Thái Lan, không khó để gặp những bạn trẻ mang theo những chiếc túi đựng đầy đồ chơi nhỏ. “Người Thái thích mang theo những món đồ chơi dễ bỏ vào túi, nhiều người chọn mang theo Labubu yêu thích có màu sắc may mắn của mình” – một khán giả nói trên Global Times.
Ngày càng phổ biến ở thị trường Đông Nam Á
Hiện tại, Pop Mart có 18 cửa hàng vật lý trên khắp Đông Nam Á. Chủ tịch bộ phận quốc tế của Pop Mart, Wen Deyi, nói với Global Times rằng thương hiệu này kỳ vọng Đông Nam Á sẽ trở thành “thị trường phát triển nhanh nhất” của ông.
Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu Statista của Đức, thị trường đồ chơi ở Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 5,64 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng lên 6,52 tỷ USD năm 2028.
Sao Việt, KOL mê mẩn hiện tượng Labubu. Họ chia sẻ ảnh phối đồ, phụ kiện cùng món đồ chơi này.
Chuyên gia trong ngành tin các yếu tố như thói quen và sở thích của người tiêu dùng tương tự như Trung Quốc, Đông Nam Á trở thành khu vực trọng tâm của nhiều thương hiệu đồ chơi thời thượng.
Vào tháng 4, doanh thu của Pop Mart từ thị trường Đông Nam Á đã vượt quá thị trường Đông Á. 11 quốc gia Đông Nam Á có tổng dân số là 670 triệu người và tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, hơn 50 phần trăm dân số dưới 35 tuổi.
Tại Việt Nam, dữ liệu từ Metric cho thấy các mặt hàng liên quan đến Labubu vào quý 2 thu về gần 5,2 tỷ đồng trên các sàn thương mại điện tử, tăng 665% so với quý đầu năm. Theo đó, 43 shop mang về hơn 3 tỷ đồng doanh thu trên TikTok Shop với 145.129 sản phẩm liên quan đến Labubu, tăng 2.786% doanh thu. Shopee và Lazada đạt doanh thu 2,2 tỷ đồng, tăng trưởng 278% so với quý 12024, với 19.500 sản phẩm được bán ra của 116 shop.
Tranh cãi sở thích cá nhân hay trào lưu vô bổ
Việc giới trẻ mê mệt món đồ chơi thú bông, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu sở hữu tạo ra nhiều tranh luận.
Một số ý kiến chỉ ra trào lưu mua, sưu tầm Labubu chỉ là hiện tượng fomo – thuật ngữ chỉ hội chứng “sợ bỏ lỡ” khi đứng ngoài trào lưu của đám đông.
“Tôi không biết mọi người có thực sự thích Labubu hay chỉ mua theo trào lưu. Lần đầu tôi thấy Labubu khi có quá nhiều KOL chia sẻ lên mạng, khiến tôi liên tưởng đến Bearbrick (mô hình gấu đồ chơi nghệ thuật đắt tiền – PV).
Giới trẻ phát cuồng vì món đồ chơi thú bông đến từ Trung Quốc.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn nhưng tôi thấy giá cả Labubu lên đến vài chục triệu đồng, nghĩ không ai mua cho đến khi thấy clip mọi người xếp hàng. Không biết do tôi khó khăn quá nên thấy Labubu bình thường dù chất liệu tốt. Tôi có người bạn lương 10 triệu đồng nhưng sẵn sàng bỏ ra nửa tháng lương để mua hai con Labubu treo ở túi, làm móc điện thoại…” – TikToker Chú Nah chia sẻ.
Đồng ý với quan điểm trên, các tài khoản cho rằng cảm thấy vô bổ, phí tiền khi bỏ tiền triệu mua đồ chơi Labubu. “Dự đoán vài tháng hết xu hướng, người ta chóng quên và tìm đến món đồ mới”, “Hết chỗ nói, biết là đam mê nhưng quá vô bổ, phí phạm thời gian”…
Trái lại có những ý kiến nhận định mỗi người đều có mục đích sử dụng tiền khác nhau, quan trọng là bản thân mình thích. “Tôi cũng thắc mắc tại sao Labubu hot cho tới khi bỏ tiền ra mua nó. Cầm trên tay mới thấy nó đáng yêu”, “Nói chung dùng tiền mua hạnh phúc, nó khiến người ta hạnh phúc thì họ sẽ bung tiền để mua”…
Một số bình luận khác chỉ ra có người yêu thích Labubu, có người không nhưng vẫn “săn” để bán lại kiếm lời. “Tôi thấy dễ thương nhưng chỉ xem cho vui. Nếu tiền bạc rủng rỉnh sẽ nghĩ đến chuyện mua, không có tiền thì làm việc khác xứng đáng hơn”, “Mỗi người một sở thích, có người sưu tập, người bán kiếm lời, riêng tôi thấy bình thường, không có gì thú vị”…